Việc chọn nghề không hề đơn giản, đặc biệt với các bạn trẻ còn chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Dưới đây là một số khó khăn có thể gặp phải khi chọn nghề.
1. Thiếu thông tin nghề
Có không ít bạn trẻ chỉ biết tên gọi của nghề mà chưa hình dung được nội dung, hình thức, tính chất, yêu cầu… của lao động trong nghề đó là gì?
2. Thiếu thông tin về thị trường lao động
Thị trường lao động biểu hiện quan hệ lao động diễn ra giữa 1 bên là người lao động và 1 bên là người sử dụng lao động dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, thông qua các hợp đồng lao động.
Những người lao động được đào tạo hay không được đào tạo đều có thể tham gia vào thị trường lao động. Và tất cả đều bị chi phối bởi qui luật cạnh tranh, thuê mướn, lợi nhuận và hiệu quả. Cho nên khi tham gia vào thị trường lao động, người làm phải quan tâm đầy đủ tới chất lượng (tri thức, kỹ năng, kỹ xảo)- giá thành – thời điểm (đáp ứng). Đó là yêu cầu hết sức khắt khe đỏi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm và học nghề suốt đời của người lao động nếu như họ muốn có việc làm và thu nhập cao.
Cụ thể, thông tin về thị trường lao động gồm những thông tin về nhu cầu sử dụng nhân lực các loại của tỉnh, thành phố trong năm kế hoạch; nhu cầu sử dụng nhân lực các loại cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất và cho các loại doanh nghiệp và liên doanh của các thành phần kinh tế khác.
3. Thiếu điều kiện tài chính để theo học nghề
Nhiều người đã chọn được nghề phù hợp với khả năng của mình nhưng điều kiện gia đình lại không đủ sức cung ứng cho việc học của con em. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều em vừa học Đại học, vừa lao động với các công việc như làm gia sư, khuân vác ở bến xe hoặc ở chợ, phục vụ trong các nhà hàng ăn uống, giúp việc gia đình…
Việc vừa học vừa làm rất vất vả, song lòng yêu nghề và lý tưởng nghề là động lực để các em vượt qua khó khăn này.
4. Bị gia đình phản đối
Việc bị cha mẹ, người thân trong gia đình phản đối việc chọn nghề của các em không phải hiếm. Người lớn can thiệp vào việc chọn nghề của các em bởi muốn con em mình chọn những nghề mà theo chủ quan của họ sẽ mang lại lợi ích thiết thực.
5. Một số khó khăn từ phía xã hội
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã tạo ra những đặc điểm mới của xã hội:
– Trên thị trường ngày nay các sản phẩm luôn đổi mới. Vòng đời của công nghệ đang được rút ngắn nên sản phẩm sẽ thay thế nhau, kế tiếp nhau rất nhanh. Sáng tạo là theo nghề. Thiếu sáng tạo sẽ bị nghề từ chối.
– Những tri thức mới hình thành rất nhanh. Cho nên, khó khăn đầu tiên là phải nỗ lực học và luôn tham khảo các tài liệu để kiến thức đã tiếp thu sẽ được “trẻ hóa” và phải “học nữa, học mãi” “học suốt đời”.
Đặc biệt, những bản trẻ ở vùng hẻo lánh thiếu sách báo, truyền hình, internet nên rất khó trong việc tích lũy tri thức, trau dồi học vấn. Đó cũng là những trở ngại khi chọn nghề.